Nhiều căn hộ khu Văn Phú - Hà Đông chuẩn bị đưa ra thị trường với vị trí thuận lợi, giá cả dễ chấp nhận. Ảnh: Thế Lữ
Ngày 25/5/2012, Chính phủ ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lí hoạt động kinh doanh vàng miếng. Tiếp đến, Ngân hàng Nhà nước có Thông tư 16/2012/TT-NHNN quy định kể từ ngày 10/1/2013, các cơ sở kinh doanh vàng trên toàn quốc không được kinh doanh vàng miếng.
Theo đó, có tới 12.000 tiệm vàng trên cả nước dừng kinh doanh vàng miếng khiến thị trường vàng xáo trộn. Nhà nước chỉ quản lí một thương hiệu vàng SJC độc quyền. Điều này dẫn đến thị trường xuất hiện nhiều nhãn hiệu vàng bị làm nhái, vàng thấp tuổi, thiếu trọng lượng. Hệ lụy là, người tiêu dùng bị thiệt.
Hiện, nhiều tiệm vàng lách luật bằng cách bán vàng trang sức vẫn bảo đảm vàng đủ tuổi 9999 như vàng miếng. Tuy nhiên, người tiêu dùng tập trung mua vàng thương hiệu SJC với giá cao hơn các thương hiệu khác từ 2 - 3 triệu đồng/lượng. Hiện, giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/lượng. Vì vậy, dễ dẫn đến rủi ro cho người tiêu dùng.
Với thị trường bất động sản (BĐS), số lượng khách hàng ngoại tỉnh có nhu cầu mua căn hộ, nền đất cao hơn số người có nhu cầu ở Thủ đô. Các căn hộ có diện tích 70m2 với khoản tiền trên dưới 1 tỉ đồng đang được nhiều người chọn mua. Theo Cty TNHH Savills chuyên nghiên cứu, tư vấn BĐS, trong 3 năm tới sẽ có thêm 50 dự án với 3.9000 căn hộ được đưa ra thị trường.
Từ đầu năm đến nay, có 22.000 căn hộ chào bán. Hiện, quận Hà Đông có hơn 3.000 căn hộ chào bán. Các dự án Kim Chung, Di Trạch, Thanh Hà đầu năm nay đất nhà liền kề chào 28 - 30 triệu đồng/m2, sang tháng 11 chào còn 20 triệu đồng/m2. Cuối năm 2010, loại đất này có giá 45 - 50 triệu đồng/m2. Hầu hết các dự án đất nền tại Mê Linh có giá trên dưới 10 triệu đồng/m2. Các dự án xây thô xong bàn giao cho chủ căn hộ các khu Văn Khê, Dương Nội, Văn Phú, HUD Vân Canh, thời điểm sốt cao đầu năm 2011 có giá 50 - 60 triệu đồng/m2, nay còn 25 - 30 triệu đồng/m2.
Theo đánh giá của một số chuyên gia BĐS, giá hiện tại vẫn cao hơn mức đầu tư của các DN trước đây. Còn về khách hàng, họ tin rằng mức giá BĐS còn xuống thấp nữa vì tình hình kinh tế thế giới chưa có gì sáng sủa. Chính vì vậy, hơn 2 vạn căn hộ đóng băng từ đầu năm đến nay đang là nguồn cung lớn ở Hà Nội, trong khi tỷ lệ giao dịch đạt kết quả thấp, đồng nghĩa với việc giá BĐS còn xuống nữa vào đầu năm sau.
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang phủ màu ảm đạm. Trong số 100 công ty chứng khoán chỉ còn gần 1/3 công ty hoạt động cầm chừng để chờ thời, còn lại là ngắc ngoải và chờ phá sản. Tỷ lệ cổ phiếu giao dịch được chủ yếu là các nhóm, tập đoàn tài chính trao đổi, hoán đổi cho nhau. Còn thực chất các nhà đầu tư riêng lẻ lên sàn bỏ tiền mặt ra ôm một lượng lớn cổ phiếu là rất hiếm. Hầu hết các nhà đầu tư đang cố gắng tháo chạy khỏi thị trường này. Hiện các sàn giao dịch vắng như… chùa Bà Đanh. Rất ít khách hàng là những nhà đầu tư mới lên sàn.
Gửi tiết kiệm đang là lĩnh vực được nhiều khách hàng từ ít tiền đến nhiều tiền hướng tới. Lãi suất tiền gửi hiện tại 9%/năm ở mức dưới 12 tháng, trên 12 tháng với lãi suất 12%/năm. Mức lãi suất này tương đương hoặc cao hơn chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Như vậy, gửi tiết kiệm vẫn là kênh bảo toàn đồng vốn và phát huy hiệu quả, chờ thời điểm BĐS tiếp tục hạ giá thì việc chuyển mua BĐS để kinh doanh hoặc cho thuê vẫn là hướng mở cho những người dân có tiền. Và, đây cũng là đóng góp to lớn của nhân dân cùng với Chính phủ sớm làm tan cục máu đông BĐS, tăng dòng vốn lưu thông tiền tệ, khởi động sản xuất kinh doanh trở lại.
Bài và ảnh: Thế Lữ
(Báo Thanh Tra)